Luật Sư Hải Dương tư vấn pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, hôn nhân, hình sự ...

https://www.luatbaotin.com


Một số vấn đề về thừa kế quyền sử dụng đất

Đất đai là tài nguyên của quốc gia, là một loại tài sản đặc biệt, có ý nghĩa kinh tế chính trị, xã hội, nó liên quan đến mọi người, mọi cơ quan, tổ chức, được nhà nước hết sức quan tâm. Do đó, nó có một chế độ pháp lý riêng biệt.
Một số vấn đề về thừa kế quyền sử dụng đất

Có lẽ không có loại tài sản nào gắn với mọi người, mọi nhà nhưng lại chỉ có một chủ thể được quyền sở hữu đó là Nhà nước, còn người sử dụng đất, tuy không phải là chủ sở hữu nhưng lại có 10 quyền tương tự như các quyền của một chủ sở hữu tài sản và đương nhiên vì không phải chủ sở hữu nên người sử dụng loại tài sản đặc biệt này có những hạn chế nhất định.Kể từ năm 1980, khi hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đến nay quyền của người sử dụng đất không ngừng được phát triển. Từ chỗ người sử dụng đất chỉ có quyền khai thác các công dụng của đất đai, không có quyền mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế… quyền sử dụng đất. Tóm lại, người sử dụng đất không được pháp luật cho phép thực hiện các giao dịch dân sự về đất đai, đến khi có Hiến pháp năm 1992Luật Đất đai năm 1993 và đặc biệt là khi Bộ luật Dân sự năm 1995 ra đời, thì Nhà nước đã thừa nhận cho người dân có 5 quyền sử dụng đất. Khi Bộ luật Dân sự năm 2005 ra đời, Nhà nước thừa nhận người sử dụng đất có 10 quyền và trong tương lai các hạn chế về quyền của người sử dụng đất sẽ ngày càng ít đi. Quyền năng của người quản lý, sử dụng đất hợp pháp sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn, thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể và cũng là để quản lý, khai thác đất đai có hiệu quả hơn.

Trong các quyền năng của người sử dụng đất, thì quyền thừa kế có vị trí hết sức đặc biệt. Do tính chất pháp lý đặc thù của loại tài sản này, nên Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định thừa kế quyền sử dụng đất thành một chương riêng, nhưng Bộ luật Dân sự năm 2005 không còn quy định chế độ pháp lý riêng biệt về thừa kế quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi xem xét về thừa kế quyền sử dụng đất thì phải vận dụng cả các quy định của Luật Đất đai để việc giải quyết phù hợp với tính chất đặc biệt của loại tài sản này.

Việc Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định điều kiện được thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, cũng như đất cấp cho hộ gia đình không được đem phân chia theo pháp luật thừa kế khi có thành viên chết là không có ý nghĩa thực tế, không phù hợp với tâm lý, tập quán của nhân dân cho nên giá trị thi hành trên thực tế rất hạn chế. Đó là chưa kể quy định ở Điều 740 đã tạo ra sự bất hợp lý mới: cũng là con cháu trong gia đình, có người được hưởng thừa kế, có người không được hưởng, mà người không được hưởng đôi khi lại chính là người đang làm nghĩa vụ với nhà nước, ví dụ như lúc mở thừa kế họ đang tại ngũ nên không "có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích" thì có chia thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản cho họ không? hoặc giải thích thế nào về cụm từ "có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích"? phải chăng người được thừa kế quyền sử dụng đất phải trực tiếp cày, cuốc trên mảnh đất thì mới coi là có điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích? Thực ra, quy định này đã không khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất để sản xuất trên quy mô lớn, không khuyến khích người dân tích cực đầu tư, cải tạo đất… Nhận rõ những hạn chế trên, khi soạn thảo, ban hành Luật Đất đai năm 2003, vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất đã có sự thay đổi rất lớn, Luật Đất đai thực sự coi quyền sử dụng đất như một loại tài sản, mặt khác đã thể hiện rõ quyền được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tại khoản 5 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 quy định:

"Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Trường hợp người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó".

Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Đất đai năm 2003, chúng tôi nhận thấy Luật Đất đai năm 2003 có những điểm mới cơ bản về thừa kế quyền sử dụng đất. Những điểm mới về thừa kế quyền sử dụng đất tiếp tục được thể hiện đầy đủ, rõ nét hơn trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo quy định tại chương 33, phần thứ 5 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: "cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất có quyền thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai" (Điều 734). Như vậy, không chỉ những trường hợp được nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất mà cả trường hợp được nhà nước cho thuê đất cũng được để thừa kế quyền sử dụng đất. Đối với đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình thì việc thừa kế quyền sử dụng đất của hộ gia đình đã được quy định hoàn toàn khác so với Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo quy định tại Điều 735 thì: "Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai".

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 không còn có sự phân biệt việc thừa kế quyền sử dụng đất của cá nhân và hộ gia đình. Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì đất cấp cho hộ gia đình cũng là đối tượng của việc để lại thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; và cũng không còn sự phân biệt giữa các loại đất ở, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản. Hay nói cách khác là không đặt ra điều kiện khác nhau trong việc thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản với đất nông nghiệp để trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng. Đây là một quy định hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và là một thuận lợi cho các Toà án khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất.

Khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì Toà án không chỉ căn cứ vào Bộ luật Dân sự mà phải căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản khác quy định về thừa kế quyền sử dụng đất để giải quyết cho phù hợp.

Tại điểm d, đ khoản 1 Điều 99 Nghị định số 18/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 quy định: "d)- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế quyền sử dụng đất"; "đ- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 121 của Luật Đất đai được nhận quyền sử dụng đất ở thông qua mua nhà ở, nhận thừa kế nhà ở, được tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở".

Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Bộ luật Dân sự năm 2005 thì tất cả các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đều được nhận quyền sử dụng đất thông qua thừa kế quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, riêng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai năm 2003, chỉ những đối tượng dưới đây mới được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế: Người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư ở Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; những nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam; các đối tượng khác theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Những đối tượng này cũng chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Ngoài những đối tượng nêu trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế quyền sử dụng đất đó.

Theo quy định tại Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì kể từ ngày 01/7/2004, Toà án áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2003 về thừa kế quyền sử dụng đất để giải quyết, còn nay Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có hiệu lực pháp luật thì phải đồng thời áp dụng các quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự để giải quyết. Tuy nhiên, có một điểm lưu ý là:

Tại khoản 1 Điều 98 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai năm 2003 đã quy định:

"1- Thời điểm người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất do Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng phải nộp tiền sử dụng đất được quy định như sau:

a) Trường hợp người sử dụng đất không được phép chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc không được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì chỉ được thực hiện các quyền của người sử dụng đất kể từ khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp người sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc cho ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì được thực hiện các quyền của người sử dụng đất kể từ khi có quyết định đó;

c) Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật thì được thực hiện các quyền của người sử dụng đất kể từ khi có quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất".

Từ quy định trên, có ý kiến cho rằng: đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 98 nói trên thì thời điểm để người sử dụng đất thực hiện các quyền sử dụng đất nói chung, để thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng là thời điểm người đó đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc từ thời điểm người sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc cho ghi nợ nghĩa vụ tài chính. Do đó, khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, Toà án yêu cầu đương sự phải chứng minh người để lại di sản đã thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nếu người để lại di sản thừa kế quyền sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, thì ý kiến nói trên đã đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Đối với trường hợp không được phép chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc không được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, Toà án phải buộc người nhận thừa kế quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần thừa kế mà họ được hưởng.

Phương án 2: Toà án yêu cầu những người khởi kiện chia thừa kế phải tạm thực hiện nghĩa vụ tài chính thay người để lại di sản. Sau khi họ thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, Toà án mới thụ lý. Khi xét xử, cần buộc những người nhận thừa kế hoàn trả phần nghĩa vụ mà người khác đã nộp thay cho mình.

Đối với trường hợp được phép chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, thì Toà án phải hỏi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vấn đề này. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn đồng ý cho phép những người nhận thừa kế quyền sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ hoặc được tiếp tục ghi nợ thì Toà án cho người nhận thừa kế quyền sử dụng đất được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất; nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không cho phép người nhận thừa kế quyền sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ hoặc không được tiếp tục ghi nợ thì Toà án buộc người nhận thừa kế quyền sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đối với phần thừa kế mà họ được hưởng.

Chúng tôi cho rằng quan điểm trên có điểm không hợp lý vì: Toà dân sự không có nghĩa vụ và không có quyền buộc các bên thực hiện các quan hệ hành chính trong vụ án dân sự. Quan hệ hành chính là quan hệ mệnh lệnh, còn quan hệ dân sự là sự bình đẳng giữa các bên. Nếu có tranh chấp trong các quan hệ dân sự này, thì Tòa án chỉ là trọng tài phán xét ai phải, ai trái, ai có quyền dân sự đến đâu.

Vì vậy, việc xét xử các vụ án dân sự là việc xác định ai hiện đang có các quyền dân sự đó mà bị người khác tranh chấp, xâm phạm thì phán quyết của Toà dân sự là khẳng định lại quyền dân sự mà họ vốn có, chứ không tạo thêm cho họ bất kỳ một lợi ích, một quyền hay nghĩa vụ dân sự mới nào và càng không được điều chỉnh các quan hệ hành chính. Vì vậy, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính được quy định tại khoản 1 Điều 98 Nghị định số 181 nói trên là quan hệ hành chính giữa người để thừa kế quyền sử dụng đất với Nhà nước. Thông thường họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước (đối với trường hợp không cho chậm thực hiện nghĩa vụ…) thì Nhà nước mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ và người sử dụng đất hợp pháp mới có quyền chuyển nhượng, để thừa kế quyền sử dụng đất. Song do nhà nước thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nên tại Điều 146 Luật Đất đai đã cho phép người sử dụng đất đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, nếu có tranh chấp quyền thừa kế mà đất đó đã có các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai thì Toà án vẫn căn cứ vào pháp luật về thừa kế và luật đất đai để xác định quyền thừa kế quyền sử dụng đất của các bên đương sự. Sau khi các bên đã được Toà án xác định quyền sử dụng đất theo thừa kế, muốn được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất họ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước và việc này do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Với hướng xử lý như vậy vừa phù hợp với thực tế, vừa phù hợp với thẩm quyền của mỗi bên mà vẫn bảo đảm được lợi ích của Nhà nước.

Nguồn tin: St

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây