Luật Sư Hải Dương tư vấn pháp luật doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, hôn nhân, hình sự ...

https://www.luatbaotin.com


Văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về chế độ nghỉ được hưởng nguyên lương hoặc hưởng BHXH

Căn cứ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/5/2013 và Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh an toàn lao động.
Văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về chế độ nghỉ được hưởng nguyên lương hoặc hưởng BHXH

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội;

Căn cứ Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức,

Trường hướng dẫn thực hiện chế độ nghỉ được hưởng nguyên lương hoặc hưởng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, viên chức (CBVC) đang công tác tại Trường; cụ thể như sau:

I. Chế độ nghỉ được hưởng nguyên lương

1. Nghỉ hàng tuần

CBVC được nghỉ vào thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Do tính chất đặc thù là một đơn vị sự nghiệp công lập, Trường vẫn hoạt động trong những ngày nghỉ hàng tuần; vì vậy, CBVC làm công tác giảng dạy, quản lý và phục vụ đào tạo làm việc trong những ngày nghỉ hàng tuần được hưởng chế độ làm việc ngoài giờ theo quy định của Nhà nước và theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

2. Nghỉ lễ, Tết

CBVC được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây:

– Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

– Tết Âm lịch: 05 ngày (01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm Âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm Âm lịch);

– Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

– Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

– Ngày Quốc khánh: 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

– Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

■ Nếu những ngày nghỉ lễ, Tết nêu trên trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì CBVC được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Các ngày nghỉ lễ, Tết (kể cả nghỉ bù) được thông báo trên trang web của Trường (Lịch công tác tuần).

3. Nghỉ hàng năm

Ngoài thời gian nghỉ hàng tuần và nghỉ lễ, Tết theo quy định, CBVC được nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương với thời gian cụ thể như sau:

.1. Nếu thời gian làm việc chưa đủ 12 tháng thì ngày nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm.

3.2. Nếu thời gian làm việc liên tục đủ 12 tháng đến dưới 5 năm thì số ngày nghỉ hàng năm là 12 ngày.

3.3. Đối với các trường hợp có thời gian làm việc liên tục đủ 5 năm trở lên thì số ngày nghỉ tăng thêm hàng năm được tính như sau:

– Có đủ từ 5 năm đến dưới 10 năm: 01 ngày;

– Có đủ từ 10 năm đến dưới 15 năm: 02 ngày;

– Có đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm: 03 ngày;

– Có đủ từ 20 năm đến dưới 25 năm: 04 ngày;

– Có đủ từ 25 năm đến 30 năm: 05 ngày…

■ Khi nghỉ hàng năm, nếu đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày, thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho một lần nghỉ trong năm.

■ CBVC có thể sắp xếp nghỉ hàng năm một lần hoặc nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù trong công tác đào tạo, quản lý và phục vụ đào tạo, để đảm bảo thực hiện kế hoạch hoạt động chung của Trường, các trưởng đơn vị sắp xếp cho CBVC luân phiên nghỉ hàng năm dài ngày (từ 05 ngày trở lên) vào thời gian nghỉ giữa các học kỳ hoặc vào dịp nghỉ Tết Âm lịch. CBVC nghỉ liên tục từ 02 ngày trở lên phải có sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) bằng văn bản. Các đơn vị lập Bảng chấm công hàng tháng và gửi về Phòng Tổ chức-Hành chính (qua e-mail) vào ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp.

■ Việc giải quyết chế độ nghỉ của năm nào chỉ tính trong năm đó (từ 01/01 đến 31/12 của năm dương lịch), không bảo lưu sang năm sau. CBVC đủ điều kiện được hưởng chế độ nghỉ hàng năm nhưng do nhu cầu công việc không thể bố trí hoặc bố trí không đủ số ngày nghỉ hàng năm theo quy định sẽ được thanh toán cho những ngày chưa nghỉ trong năm theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. Trường hợp CBVC nghỉ quá số ngày nghỉ hàng năm, Trường sẽ khấu trừ lương và các khoản thu nhập tăng thêm tương ứng với số ngày nghỉ vượt vào tháng 01 của năm kế tiếp. Đối với các trường hợp ngoại lệ, Trường quy định như sau:

– Trường  hợp gia đình ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo…, CBVC có thể bảo lưu và gộp chế độ nghỉ từ 2 đến 3 năm một lần và phải có sự đồng ý lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) bằng văn bản trước khi thực hiện phương án bảo lưu;

– Trường hợp đã hết thời gian nghỉ của năm và CBVC phải nghỉ để giải quyết việc riêng, CBVC có thể ứng trước thời gian nghỉ của năm sau (chỉ ứng trong một năm) nhưng không quá tổng quỹ ngày nghỉ của năm đó và phải có sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) bằng văn bản. Trường hợp số ngày nghỉ vượt quá tổng quỹ ngày nghỉ của hai năm liền kề, Trường sẽ khấu trừ lương và các khoản thu nhập tăng thêm tương ứng với số ngày nghỉ vượt vào tháng 01 của năm kế tiếp.

4. Nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương

CBVC nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:

– Kết hôn: 03 ngày;

– Con kết hôn: 01 ngày;

– Bố mẹ (cả bên vợ hoặc bên chồng) chết; vợ hoặc chồng chết; con chết: 03 ngày.

§ Các trường hợp nghỉ việc riêng nêu trên (ngoại trừ nghỉ do tang chế), phải có sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức – Hành chính cấp) bằng văn bản. Trường hợp nghỉ do tang chế, CBVC chỉ thông báo cho lãnh đạo hoặc Công đoàn đơn vị.

II. Chế độ nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH)

1. Nghỉ ốm đau

1.1. Đối tượng và thời gian và hồ sơ hưởng chế độ ốm đau

CBVC thuộc diện nghỉ ốm đau hưởng BHXH bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Người làm việc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.

1.2. Thời gian nghỉ chế độ ốm đau

Thời gian hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với CBVC được quy định cụ thể như sau (tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần):

– Đóng BHXH dưới 15 năm: 30 ngày;

– Đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm: 40 ngày;

– Đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên: 60 ngày.

Đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, thời gian nghỉ chế độ ốm đau không quá 180 ngày/năm (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hàng tuần). Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng ma túy, các chất gây nghiện khác thì không thuộc diện hưởng chế độ ốm đau.

■ Để lập thủ tục giải quyết nghỉ hưởng chế độ ốm đau, ngoài đơn đề nghị được lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) phê duyệt, CBVC bổ sung:

– Bệnh ngắn ngày: Giấy ra viện (bản chính) đối với trường hợp điều trị nội trú; hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Mẫu C65-HD, bản chính) đối với trường hợp điều trị ngoại trú;

– Bệnh dài ngày: Giấy ra viện (bản chính) đối với trường hợp điều trị nội trú; Biên bản hội chẩn của bệnh viện (bản chính hoặc bản sao có chứng thực và Giấy xác nhận đợt điều trị (bản chính) trú đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

1.3. Chế độ nghỉ khi con ốm đau

Thời gian hưởng chế độ nghỉ khi con ốm đau trong một năm được tính theo số ngày chăm sóc con (tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần); cụ thể:

– Con dưới 3 tuổi: Tối đa 20;

– Con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Tối đa 15 ngày.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ theo quy định.

■ CBVC nghỉ hưởng chế độ chăm sóc con ốm, ngoài đơn đề nghị được lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) phê duyệt, CBVC bổ sung các loại giấy tờ sau:

– Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện (bản chính);

– Trường hợp điều trị ngoại trú: Sổ y bạ hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Mẫu C65-HD, bản chính);

– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia được hưởng chế độ. Trong trường hợp này, ngoài Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, CBVC phải bổ sung Giấy xác nhận hết thời gian nghỉ việc để chăm sóc con của cơ quan, đơn vị nơi chồng hoặc vợ đang công tác.

■ Đối với các trường hợp nghỉ ốm hoặc nghỉ chăm sóc con ốm liên tục từ 3 ngày trở lên nhưng không minh chứng được các giấy tờ hợp lệ, Trường sẽ khấu trừ số ngày nghỉ thực tế vào số ngày nghỉ hàng năm của CBVC.

1.4. Mức hưởng chế độ ốm đau

Mức hưởng chế độ bản thân CBVC ốm hoặc nghỉ chăm sóc con ốm được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Nghỉ thai sản

2.1. Đối tượng hưởng chế độ thai sản

Đối tượng hưởng chế độ thai sản bao gồm:

– CBVC có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.

– Nữ CBVC mang thai;

– Nữ CBVC sinh con;

– CBVC nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

– CBVC đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2.2. Thời gian hưởng chế độ thai sản

a. Chế độ khám thai: Trong thời gian mang thai, nữ CBVC được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần (mỗi lần một ngày). Trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.

■ Trường hợp nghỉ khám thai, CBVC nộp đơn đề nghị cho lãnh đạo đơn vị kèm bản sao Sổ khám thai hoặc Giấy khám thai.

b. Nghỉ chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu: Khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì nữ CBVC được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian cụ thể như sau (tính cả các ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần);:

– Thai dưới 01 tháng: Nghỉ 10 ngày;

– Từ 01 đến dưới 03 tháng: Nghỉ 20 ngày;

– Từ 03 đến dưới 06 tháng: Nghỉ 40 ngày;

– Từ 06 tháng trở lên: Nghỉ 50 ngày.

■ Trường hợp nghỉ chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, nữ CBVC gửi đơn đề nghị nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và Giấy ra viện (bản chính) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Mẫu C65-HD) về Phòng Tổ chức-Hành chính để Trường các lập thủ tục hưởng chế độ BHXH.

c. Nghỉ chế độ khi sinh con: Nữ CBVC được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh 6 tháng (tính cả các ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần).

■ Ngoài đơn đề nghị được lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trường (thông qua Phòng Tổ chức-Hành chính) phê duyệt, CBVC bổ sung bản sao Giấy khai sinh để lập thủ tục BHXH.

d. Nghỉ chế độ khi nuôi con nuôi: Theo quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội.

e. Nghỉ chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai: Theo quy định tại Điều 33 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Trong thời gian này, người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trên đây là văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về chế độ nghỉ hàng tuần, hàng năm và nghỉ lễ, Tết được hưởng nguyên lương hoặc hưởng bảo hiểm xã hội đối với CBVC đang công tác tại Trường. Đề nghị các trưởng đơn vị thông báo nội dung văn bản này đến toàn thể CBVC để biết và thực hiện. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 và sẽ được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh ở từng thời điểm, phù hợp với các văn bản pháp quy hiện hành của Nhà nước./-

Nguồn tin: St

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây