Chương trình “Vấn đề cùng bàn luận”
NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC DÒNG TÀ ĐẠO HIỆN NAY
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 20h40’ thứ 7 ngày 07/10/2023 và phát lại 9h30’ chủ nhật ngày 08/10/2023
Khách mời đồng hành:
- Thạc sĩ, luật sư Dương Đức Trọng - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Tín; Phó Chánh văn phòng Hội Luật gia tỉnh Hải Dương
- Ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương
NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC DÒNG TÀ ĐẠO HIỆN NAY
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 20h40’ thứ 7 ngày 07/10/2023 và phát lại 9h30’ chủ nhật ngày 08/10/2023
Khách mời đồng hành:
- Thạc sĩ, luật sư Dương Đức Trọng - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Tín; Phó Chánh văn phòng Hội Luật gia tỉnh Hải Dương
- Ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương
Câu hỏi 1:
Thưa luật sư Dương Đức Trọng! Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, xâm phạm an ninh quốc gia, gây rối trật tự, an toàn xã hội, lừa đảo, trục lợi cá nhân, đi ngược lại với văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam?
Trả lời:
Ngày 18/11/2016, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 thay thế cho Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Theo Điều 2 của Luật thì tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Còn tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Theo quy định tại Điều 6 của Luật, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Thậm chí, người bị tạm giữ, người bị tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5:
- cấm hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
- xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
- lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Câu hỏi 2:
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Nhưng pháp luật cũng ngăn cấm hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Vậy pháp luật nước ta có những quy định chế tài xử lý đối với hành vi truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật như thế nào?
Trả lời:
Phải nói rằng tôn giáo là một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp của bất cứ nhà nước nào, đất nước nào. Việc quy định hành lang pháp lý cho tôn giáo nhưng vẫn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đại bộ phận dân chúng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tại Điều 64 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường".
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Chính phủ chưa ban hành một Nghị định xử lý vi phạm hành chính riêng biệt nào để xử phạt những vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, tại Điều 5 các vi phạm quy định về trật tự công cộng, phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, còn nếu tổ chức vi phạm thì phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng.
Ở tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, Điều 164 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác như sau: "Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 - 03 năm: - Có tổ chức; - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Dẫn đến biểu tình; - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thêm vào đó, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân: "Người nào lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm".
Câu hỏi 3:
Các "hiện tượng tôn giáo mới", "tà đạo" đang có xu hướng phát triển, thậm chí truyền đạo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các nhóm/hội còn lợi dụng sơ hở của pháp luật, việc quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển “tà đạo”. Thưa luật sư, chúng ta nên nhận diện thủ đoạn và khuynh hướng mở rộng phạm vi hoạt động của các dòng “đạo lạ”, “tà đạo” này như thế nào?
Trả lời:
Việt Nam là một đất nước mà phần đông người dân có tín ngưỡng. Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” của Ban Tôn giáo Chính phủ; hiện nay, ở nước ta có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Đấy mới chỉ là thống kê trên số người có khai thông tin cá nhân là “Tôn giáo” là Phật giáo hay Công giáo v.v…, chứ rất là nhiều người vẫn khai mục “Tôn giáo” là “Không” nhưng bản chất lại khá sùng bái một đạo nào đó, phần lớn là Đạo phật. Nếu tính cả số lượng này thì tôi cho rằng số lượng tín đồ chí ít phải gấp đôi con số 26,5 triệu do Sách trắng công bố.
Đây là điều kiện thuận lợi, kết hợp với mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ; tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội... Những tà đạo này được truyền bá, phổ biến theo nhiều hình thức, trong đó có trên không gian mạng. Hoạt động của những tà đạo đội lốt tôn giáo không ngừng gia tăng, với nhiều hình thức biến tướng như: xem bói online, dịch vụ tâm linh, du lịch tâm linh v.v... Cá biệt, xuất hiện tà đạo lợi dụng chiếm đoạt tài sản cá nhân, doanh nghiệp.
Đối chiếu quy định pháp luật hiện hành về tôn giáo, các tà đạo đội lốt tôn giáo không có giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức. Những gì tuyên truyền là hoàn toàn trái ngược với thuần phong mỹ tục cũng như những giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa của người Việt. Mục đích hoạt động chính là vụ lợi, trái pháp luật nên không đủ điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.
Các dòng “đạo lạ”, “tà đạo” có những thủ đoạn như sau: Về chính trị, các tà đạo lôi kéo người theo bằng những hoạt động chống lại quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói xấu chế độ, có thái độ ngăn cản chính quyền triển khai xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Về kinh tế, các tà đạo khuyên con người ta siêng năng cầu cúng, lễ vật càng lớn càng chứng tỏ ngoan đạo, tốn kém tiền của, bỏ bê lao động sản xuất, ốm đau không đi viện mà chữa trị bằng phù phép, nước lã, tàn hương... dẫn tới nhiều cái chết thương tâm. Về văn hóa - xã hội, các tà đạo gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong nội bộ gia đình, thôn xóm, giữa người theo và người không theo, giữa “đạo lạ” này với “đạo lạ” khác.
Nhận diện được những thủ đoạn này, chúng ta cần có những biện pháp kiên quyết đấu tranh với các đạo lạ, tà đạo. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Đối với các tà đạo đội lốt tôn giáo thì kiên quyết xóa bỏ. Chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo mới để triển khai những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Quản lý chặt chẽ các đối tượng cầm đầu nhóm ngoan cố, có khả năng và điều kiện tập hợp lực lượng để không có những hành vi quá khích, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Tăng cường phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo.