Chương trình tọa đàm “Vấn đề cùng bàn luận”
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 21h25’ thứ 7 ngày 04/05/2024
Khách mời đồng hành:
- Thạc sĩ, luật sư Dương Đức Trọng - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Tín; Phó Chánh văn phòng Hội Luật gia tỉnh Hải Dương
Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phát sóng 21h25’ thứ 7 ngày 04/05/2024
Khách mời đồng hành:
- Thạc sĩ, luật sư Dương Đức Trọng - Trưởng Văn phòng luật sư Bảo Tín; Phó Chánh văn phòng Hội Luật gia tỉnh Hải Dương
- Thượng tá Phạm Chiến - Phó Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương
Câu hỏi số 1 dành cho LS Trọng:
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Căn cước năm 2023 được quy định như thế nào? Luật quy định như thế nào về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
Trả lời:
Điều 1 Luật Căn cước quy định về phạm vi điều chỉnh, bao gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2 Luật Căn cước quy định về đối tượng áp dụng, bao gồm: công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Khoản 6 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, tập hợp thông tin của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định chi tiết từ Điều 8 - 13 Luật Căn cước. Có rất nhiều loại thông tin được thu thập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tổng số 26 loại, trong đó đáng chú ý có: họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, nơi sinh, quê quán, nơi thường trú, tạm trú…
Khoản 7 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa: Cơ sở dữ liệu căn cước là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về căn cước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định chi tiết từ Điều 14 - 17 Luật Căn cước. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm một số thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngoài ra có thêm thông tin nhân dạng, thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói…
Câu hỏi số 2 dành cho LS Trọng:
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ như thế nào đối với vấn đề về Căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 5 Luật Căn cước:
1. Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có các quyền sau đây:
a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước;
b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước;
c) Được xác lập số định danh cá nhân; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
d) Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;
đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
2. Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có các nghĩa vụ sau đây:
a) Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp;
b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử;
c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan;
d) Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu;
đ) Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Câu hỏi số 3 dành cho LS Trọng:
Thưa Luật sư Dương Đức Trọng! Với việc bắt buộc cung cấp thông tin về mống mắt, AND, giọng nói khi làm thẻ căn cước, đồng thời là việc tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ Căn cước, nhiều người băn khoăn rằng liệu có xảy ra nguy cơ lộ, lọt dữ liệu? Vậy việc bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thông tin cá nhân được quy định như thế nào trong Luật Căn cước?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 39 Luật Căn cước về bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:
- Ứng dụng công nghệ thông tin để nhập, xử lý và kết xuất thông tin về dân cư và căn cước bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng các nguyên tắc, định dạng các hệ quản trị cơ sở dữ liệu;
- Bảo đảm an toàn các thiết bị thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý, trao đổi thông tin về dân cư và căn cước;
- Bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin về dân cư và căn cước trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu; phòng, chống các hành vi truy nhập, sử dụng trái phép, làm hư hỏng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước được lưu trữ trên thiết bị lưu trữ đã được thực hiện các biện pháp chống truy nhập trái phép thông qua hệ thống bảo mật của hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ điều hành mạng.
Bộ Công an cũng cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế theo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4, với hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc, 24/24 giờ. Quá trình thu thập định danh của người dân thực hiện theo một quy trình khép kín. Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm do công an địa phương bố trí, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra. Việc chuyển dữ liệu định danh thực hiện qua đường truyền riêng biệt của Bộ Công an, bảo mật tuyệt đối, không để lộ lọt thông tin.